Theo số liệu chính thức từ Cục cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), cả nước năm 2020 xảy ra hơn 5 nghìn vụ cháy nổ, làm thiệt mạng và thương vong gần 300 người. Số vụ cháy thống kê được là 5.354 vụ, 33 vụ nổ, làm chết 89 người, bị thương vong 184 người.
Tại gia đình, hậu quả sẽ vô cùng thảm khốc nếu chúng ta chủ quan, lơ là. Vậy làm thế nào để bảo vệ ngôi nhà của bạn khỏi cháy nổ để hạn chế thiệt hại về tính mạng, tài sản gia đình bạn?
Trong bài viết này chúng tôi sẽ chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và cách phòng cháy tại nhà.
1. Cách ly các nguồn nhiệt
Vật dễ cháy
Để phòng cháy, việc cần làm đầu tiên là tìm các nguồn có khả năng sinh nhiệt và lửa trong căn nhà để triệt tiêu chúng:
- Vật liệu dễ cháy: gồm gỗ, khăn, giấy, tấm dán bằng nylon, dụng cụ bằng nhựa, bình gas mini, hột quẹt ga, pin, chai nước, xăng và các chế phẩm có nguồn gốc từ dầu thô.
- Bếp ăn gia đình: không để các đồ dùng hoặc vật dễ cháy gần bếp gas.
- Thiết bị sinh nhiệt: Không để các vật dễ cháy gần các ổ điện, công tắc, phích cắm, và các thiết bị điện như bàn ủi, máy lạnh, đèn điện, ấm đun nước, máy in, máy sấy, quạt, máy vi tính…
Thói quen gây cháy nổ
Đồng thời cũng nên hạn chế các hành vi hoặc thói quen có thể dẫn tới việc tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ hoặc hoả hoạn:
- Sạc điện thoại: khi sạc các thiết bị di động nên đặt chúng trên một mặt phẳng thoáng mát, không nên đặt trên các vật liệu dễ cháy như gỗ, nệm cao su, vải vì chúng có thể bị cháy nổ trong quá trình sạc pin. Tốt nhất nên đặt trên bàn gạch, kính.
- Thói quen nấu ăn: Nồi cơm, bếp gas nên đặt trên mặt làm từ vật liệu chống cháy như gạch men, kính và tránh xa các lọ gia vị làm bằng nhựa. Khoá van bình gas và rút điện các thiết bị như bếp điện, máy xay sinh tố, nồi cơm điện, lò vi sóng, nồi hấp, nồi chiên không dầu… sau khi sử dụng.
- Sử dụng thiết bị điện: các thiết bị như bàn ủi, ấm đun nước, máy sấy tóc, đèn bàn nên đặt tránh xa tầm tay trẻ nhỏ. Sự hiếu động của trẻ em là một trong những nguyên nhân gây chập điện hoặc hoả hoạn.
- Khu thờ cúng: hệ thống điện tại bàn thờ cần đảm bảo thiết bị điện có chất lượng, dây điện đủ công suất, đi dây đảm bảo an toàn vì rất dễ cháy nổ. Tàn nhang cũng là nguyên nhân gây cháy trong nhiều trường hợp hoả hoạn.
- Trước khi ngủ và trước khi ra khỏi nhà: nên kiểm tra và rút phích cắm nguồn các thiết bị không sử dụng như quạt, đèn, hệ thống âm thanh, hệ thống chiếu sáng, bình đun nước, các thiết bị nấu ăn sử dụng điện… Tắt cầu dao điện các khu vực không dùng đến.
- Đóng kín cửa khi ngủ phòng lạnh: thói quen ngủ trong phòng kín bật điều hoà giúp thoải mái hơn, ngon giấc hơn sau ngày làm việc mệt nhọc. Tuy nhiên điều này ẩn chứa rất nhiều rủi ro khi có tiếng nổ hoặc khói gia đình rất khó phát hiện sớm dẫn đến thương vong rất cao (*). Nên có sự thông thoáng nhất định khi ngủ trong phòng kín.
(*) Tại thời điểm bài viết này, tác giả bài viết này vẫn không khỏi ám ảnh bởi vụ cháy cửa hàng vàng mã 322 Hàn Hải Nguyên Q11 cách đây gần 10 năm, ngôi nhà nơi có người bạn của tác giả với 1 gia đình đã bị thiệt mạng thương tâm với một ngày lễ tiễn đưa 03 quan tài cùng lúc trong 1 gia đình.
2. Lắp đặt hệ thống báo cháy tự động
Các hệ thống báo cháy tự động là một trong các biện pháp phòng cháy tại nhà hiệu quả nhất.
Hệ thống báo khói, báo cháy có khả năng cảnh báo sớm các tác nhân gây cháy nổ để bạn và gia đình kịp sơ tán hoặc có hành động phù hợp, trước khi chúng bùng phát thành các đám cháy lớn có thể nguy hại đến tính mạng và tài sản của bạn và người thân trong gia đình.
Các hệ thống báo cháy địa chỉ sẽ giúp gia đình phát hiện chính xác vị trí có khói, có lửa hoặc hoả hoạn để bạn và người thân sớm sơ tán hoặc dập tắt đám cháy ngay khi chúng còn là những đám cháy nhỏ. Trong khi các hệ thống báo cháy thường (báo cháy vùng) chỉ xác định khái quát khu vực (zone) đang bị cháy, dù báo cháy thường có giá thành rẻ hơn báo cháy địa chỉ.
Các vị trí nên lắp đặt đầu dò báo cháy, báo khói hoặc báo nhiệt để phòng cháy tại nhà:
- Bếp ăn.
- Khu vực nhà xe.
- Cửa chính (lối thoát hiểm duy nhất của bạn và gia đình).
- Khu vực chứa nhiều thiết bị điện có khả năng sinh nhiệt, chạm chập điện.
- Phòng ngủ của con cái, người già và trẻ nhỏ.
- Khu vực đặt bình gas hoặc nơi chứa chất dễ cháy (như xăng, cầu, cồn y tế, khu vực chứa nhiều vật dụng bằng nhựa, mút xốp, thùng carton).
- Kho hàng, phòng chứa đồ cũ, vật dụng bằng gỗ.
- Khu vực cầu thang.
Nên chọn các hệ thống báo cháy có tính năng quay số khẩn cấp đến người có trách nhiệm hoặc lực lượng ứng phó khẩn cấp.
2. Trang bị các dụng cụ chữa cháy cần thiết
Ứng phó tại thời điểm đám cháy mới hình thành là điều quan trọng nhất.
Trong khi chờ đợi đội cứu hoả 114 đến hỗ trợ, gia đình và người thân cần có những công cụ, dụng cụ chữa cháy sơ cấp và các dụng cụ cũng như kiến thức thoát hiểm cần thiết.
- Bình chữa cháy (bình bột chữa cháy hoặc bình khí CO2).
- Bóng chữa cháy.
- Chặn dập lửa phòng cháy chữa cháy.
Nếu có điều kiện nên đặt vòi nước và ống mềm dẫn nước tại một số điểm trong ngôi nhà, để khi có sự cố hoả hoạn gia đình có thể dùng để chữa cháy tạm thời trong tình huống khẩn cấp.
Ngoài ra các gia đình có thể chuẩn bị một số thiết bị hỗ trợ việc thoát hiểm khi có cháy nổ:
- Dây thoát hiểm cá nhân, đai thoát hiểm.
3. Cách phòng cháy tại nhà: chuẩn bị kế hoạch thoát hiểm
Chuẩn bị trước 1 kế hoạch ứng phó khi có đám cháy xảy ra sẽ giúp tăng khả năng sống sót ≥ 70% khi gặp tình huống xấu nhất.
Kế hoạch thoát hiểm:
- Chuẩn bị trước các đường thoát hiểm với giả định rằng sự cố cháy xảy ra. Cần nhớ càng nhiều vị trí cháy được giả định, cơ hội sống sót của gia đình càng cao. VD: nếu cháy ở bếp, cháy ở cửa trước hoặc cháy ở cầu thang bạn sẽ xử trí ra sao?
- Chuẩn bị trước các bộ dụng cụ thoát hiểm và diễn tập với chúng (đai thoát hiểm, dây thoát hiểm…). Nên nhớ khi hoả hoạn xảy ra có thể bạn không đủ thời gian để tìm thấy chúng, vì vậy cần có sự chuẩn bị thật tốt.
- Đèn pin và đèn exit: khi đám cháy lớn nhiều khả năng hệ thống điện sẽ bị cúp, trước mắt bạn chỉ có khói và bóng đêm. Hãy nhớ trang bị thêm các loại đèn cần thiết để chiếu sáng khi có sự cố.
- Lưu ý phương án để bảo vệ trẻ em và người già khi gặp sự cố.
Bạn có thể áp dụng thêm một số biện pháp phòng cháy tại nhà để giữ cho gia đình bạn được bảo vệ.
Nguyên lý của ngọn lửa và khói:
- Ngọn lửa và khói luôn bốc lên trên, vì vậy nếu di chuyển không đủ nhanh bạn sẽ không đủ thời gian để thoát hiểm.
- Đa số người ta chết vì ngạt khói rất lâu trước khi chết vì cháy.
Như vậy qua bài viết chia sẻ các biện pháp phòng cháy tại nhà chúng tôi hy vọng các gia đình luôn có sự chuẩn bị cần thiết để ứng phó trong các tình huống nguy cấp. Mến chào các bạn!