Thiết bị chống trộm gắn cửa (cảm biến cửa từ)

Thiết bị chống trộm gắn cửa (cảm biến cửa từ)

Để phòng chống tội phạm xâm nhập vào bên trong không gian của bạn thì cửa chính là một trong những vùng cần được kiểm soát an ninh. Giải pháp cho vấn đề này là lắp đặt thiết bị chống trộm gắn cửa để kiểm soát tất cả các lối ra vào ngôi nhà, văn phòng, cửa hàng, nhà xưởng… để kịp thời cảnh báo khi có trộm đột nhập qua đường cửa ra vào.

Dưới đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thiết bị chống trộm gắn cửa là gì và cách thức lắp đặt thiết bị chống trộm gắn cửa sao cho tối ưu đảm bảo an ninh gia đình, cửa hàng hoặc doanh nghiệp.

Thiết bị chống trộm gắn cửa là gì?

Thiết bị chống trộm gắn cửa còn được gọi là cảm biến cửa từ, má cửa từ chống trộm, chuông chống trộm gắn cửa (tiếng Anh: magnetic door sensor) là thiết bị sử dụng các cảm biến từ tính gắn tại vị trí cửa ra vào, cửa chính hoặc cửa sổ giúp phát hiện hành vi mở cửa trái phép hoặc khi tội phạm bẻ khoá, cắt khoá và mở cửa.

Thiết bị chống trộm gắn cửa là gì
Thiết bị chống trộm gắn cửa là gì

Cấu tạo và cách hoạt động của cảm biến cửa từ

Tiếp điểm từ tính (magnetic contact) là cảm biến cửa từ hoạt động bằng cách sử dụng công tắc sậy bên trong kết hợp với nam châm. Đây là cách phổ biến nhất để cảm biến cửa hoạt động.

Cấu tạo của cảm biến cửa từ
Cấu tạo của cảm biến cửa từ

Cấu tạo cảm biến cửa từ có 2 bộ phận chính:

  • Bộ phận cảm biến (sensor head): gắn cố định vào tường, thanh đố cửa hoặc khung cửa cố định. Bên trong có cảm biến sậy với các tiếp điểm thường mở (NO) hoặc tiếp điểm thường đóng (NC) dùng để cấp tín hiệu ra còi hú hoặc tủ trung tâm báo động.
  • Bộ phận nam châm di động (actuator): là thanh nam châm từ tính, gắn trực tiếp vào cánh cửa mở ra – đóng vào.

Hoạt động:

  • Ở trạng thái cửa đóng, các tiếp điểm ở trạng thái “mặc định”.
  • Khi cánh cửa được mở ra làm thay đổi trạng thái các tiếp điểm => Đầu ra tín hiệu sẽ kích hoạt báo động (dây tín hiệu dẫn ra còi hú hoặc trung tâm báo động)

Lợi ích

Cảm biến cửa từ là thiết bị chống trộm gắn cửa được sử dụng nhiều nhất vì tính hiệu quả của nó. Không giống như các cảm biến chống trộm hồng ngoại, hay photobeam (hàng rào hồng ngoại chống trộm), thiết bị này rất hiếm khi bị báo động giả. Vì vậy cảm biến cửa từ chống trộm rất hiệu quả.

Tuy nhiên má cửa từ cũng có một số ưu nhược điểm:

  • Ưu điểm: giá thành rẻ, dễ lắp đặt, không báo động giả.
  • Nhược điểm: không có cảnh báo sớm (trước khi trộm xâm nhập vào nhà), điều này có thể dẫn đến mất an toàn cho gia chủ vì khi đó tội phạm có thể tấn công trực diện. Vấn này hoàn toàn có thể khắc phục khi kết hợp chống trộm gắn chặn cửa kết hợp với các thiết bị chống trộm ngoài trời để đánh chặn và cảnh báo từ xa (khi trộm mới xâm nhập từ các vùng bên ngoài).

Các loại thiết bị báo trộm gắn cửa thông dụng

1. Thiết bị chống trộm gắn cửa kết nối trung tâm báo động (báo động qua SIM điện thoại)

Giải pháp hiệu quả nhất là kết nối cảm biến cửa từ với tủ báo động trung tâm để tạo thành hệ thống thiết bị chống trộm gắn cửa kết nối điện thoại. Hệ thống này có thể thực hiện các cuộc gọi khẩn cấp đến chủ nhà, đồng thời biết chính xác khu vực nào đang kích hoạt báo động nếu có nhiều cửa ra vào.

Kết nối đầu ra của tiếp điểm thường đóng trên cảm biến từ với đầu vào tủ báo động trung tâm (đối với cảm biến cửa từ có dây) hoặc kết nối cảm biến cửa từ không dây với các bộ trung tâm có hỗ trợ kết nối sóng RF không dây.

Thiết bị chống trộm gắn cửa gắn với trung tâm báo động
Thiết bị chống trộm gắn cửa gắn với trung tâm báo động

Với giải pháp này chúng ta sẽ khai thác triệt để tất cả những tính năng báo động cao cấp nhất của thiết bị chống trộm gắn cửa dùng SIM, cụ thể như:

  1. Lập trình được lịch trình tắt / mở báo động theo khung giờ quy định trước.
  2. Có thể tắt mở từ xa qua ứng dụng trên điện thoại di động.
  3. Xem được lịch sử báo động.
  4. Có ắc quy dự phòng khi mất điện.
  5. Cảnh báo với còi hú gắn rời công suất lớn, hiệu quả cao.
  6. Khi trộm cắt dây hệ thống sẽ kích hoạt báo động thông minh.
  7. Cảnh báo bằng SIM với cuộc gọi khẩn cấp đến số điện thoại của chủ nhà, rất hiệu quả khi gia chủ đi vắng khi ở nhà có sự cố an ninh xảy đến cho người thân, người già, trẻ em…
  8. Có thể lắp kết hợp nhiều cảm biến cửa từ về cùng 1 trung tâm báo động. Khi bị đột nhập gia chủ có thể xem khu vực nào đang bị đột nhập thông qua ứng dụng trên smartphone, tránh ra xem trực tiếp hiện trường vì có thể bị kẻ gian tấn công trực diện.
  9. Có thể lắp kèm thêm các loại cảm biến chống trộm khác, hoặc cảm biến báo cháy, báo nhiệt, cảm biến vỡ kính…

Chọn tủ trung tâm báo động:

Có nhiều tuỳ chọn với các mức giá khác nhau, đi kèm những ưu nhược điểm riêng như sau:

  • Tủ trung tâm dạng mini: tính năng đơn giản, cấu hình đơn giản, hỗ trợ kết nối cảm biến cửa từ không dây, có thể lập trình khung giờ báo động, tầm giá 3tr – 3,5tr đồng.
  • Tủ trung tâm không GSM: chỉ báo động với còi tại chỗ, không báo động qua cuộc gọi khẩn cấp, không báo vùng bị đột nhập qua ứng dụng smartphone. Tầm giá 3,5 – 4,5 tr đồng.
  • Tủ trung tâm hỗ trợ GSM cơ bản (Analog): có lắp SIM, báo động cuộc gọi khẩn cấp, không báo vùng đang bị đột nhập (không có ứng dụng smartphone để xem). Tầm giá 4,5 – 5,5 tr đồng.
  • Tủ trung tâm dạng IP, hỗ trợ GSM (tủ IP): có SIM, báo động qua cuộc gọi khẩn cấp, có báo vùng bị đột nhập (có ứng dụng trên Smartphone để xem), xem lại lịch sử xâm nhập, kích hoạt báo động theo khung giờ. Tầm giá 7tr – 8tr đồng.

2. Chuông báo trộm gắn cửa độc lập có remote điều khiển từ xa

Thiết bị báo trộm gắn cửa độc lập có remote điều khiển từ xa
Thiết bị báo trộm gắn cửa độc lập có remote điều khiển từ xa
  • Ưu điểm: gắn cửa trực tiếp, lắp đặt dễ dàng, tắt mở từ xa qua remote (30-60m).
  • Nhược điểm: không báo về điện thoại, âm thanh nhỏ (trong phòng kín không nghe thấy tiếng hú), có thể bị trộm tấn công nếu đối đầu trực diện.

3. Chuông chống trộm gắn cửa độc lập không có remote (tắt mở trực tiếp trên thiết bị)

Thiết bị báo trộm gắn cửa độc lập không có remote
Thiết bị báo trộm gắn cửa độc lập không có remote
  • Ưu điểm: gắn cửa trực tiếp, lắp đặt dễ dàng, giá thành rẻ (250.000 – 300.000 đ).
  • Nhược điểm: phải tắt mở trên thiết bị, không báo về điện thoại, âm thanh nhỏ (trong phòng kín không nghe thấy tiếng hú), có thể bị trộm tấn công nếu bước ra nhìn đối đầu trực diện.

4. Thiết bị chống trộm gắn cửa thông minh có cảnh báo qua điện thoại FPT iHome Alarm

Thiết bị chống trộm gắn cửa độc lập có cảnh báo qua điện thoại FPT iHome Alarm
Thiết bị chống trộm gắn cửa độc lập có cảnh báo qua điện thoại FPT iHome Alarm
  • Ưu điểm: gắn cửa trực tiếp, lắp đặt dễ dàng, tắt mở trực tiếp trên thiết bị và tắt mở từ xa qua ứng dụng trên smartphone, có cảnh báo về điện thoại (cuộc gọi khẩn).
  • Nhược điểm: âm thanh nhỏ (trong phòng kín không nghe thấy tiếng hú), có thể bị trộm tấn công nếu đối đầu trực diện, cần mua gói cước thuê bao tháng của FPT nếu sử dụng tính năng cảnh báo qua điện thoại.

Hướng dẫn lắp đặt cảm biến cửa từ cho từng loại cửa để chống trộm

Dĩ nhiên tuỳ thuộc vào từng loại cửa như cửa sắt, cửa cuốn, cửa gỗ, cửa nhôm, cửa 1 cánh, cửa 2 cánh, cửa 4 cánh… chúng ta sẽ chọn loại cảm biến cửa từ phù hợp để lắp đặt. Việc này nên chọn đơn vị tư vấn lắp đặt thiết bị chống trộm gắn cửa để được tư vấn loại cảm biến cửa từ phù hợp, nhằm đảo bảo kỹ thuật và đảm bảo mỹ quan cho công trình.

Sau đây là một số tình huống lắp đặt cảm biến cửa từ chống trộm:

1. Cửa 1 cánh:

Cảm biến từ cho cửa sắt, cửa nhôm, cửa nhôm kính, cửa cổng (1 cánh):

Cách lắp cảm biến cửa từ cho cửa sắt, cửa nhôm, cửa cổng 1 cánh
Cách lắp cảm biến cửa từ cho cửa sắt, cửa nhôm, cửa cổng 1 cánh

* Chọn cảm biến: cảm biến cửa sắt, chất liệu sắt hoặc nhựa đều được.

* Vị trí lắp:

  • (1) Cảm biến: lắp vào các thanh cố định như đố cửa ngang hoặc khung cửa (thanh đứng).
  • (2) Nam châm: lắp vào cửa (cánh di động).

Cảm biến chống trộm cho cửa gỗ:

* Chọn cảm biến: sử dụng cảm biến cửa gỗ (màu vân gỗ hoặc màu nâu) hoặc cảm biến bằng nhựa.

* Vị trí lắp: tương tự lắp cảm biến cho cửa sắt / cửa nhôm 1 cánh:

  • (1) Cảm biến: lắp vào các thanh cố định như đố cửa ngang hoặc khung cửa (thanh đứng).
  • (2) Nam châm: lắp vào cửa (cánh di động).
Cách lắp cảm biến từ cho cửa gỗ 1 cánh
Cách lắp cảm biến từ cho cửa gỗ 1 cánh (trên hình là cảm biến không dây, chất liệu nhựa)

2. Cửa 2 cánh, 3 cánh, 4 cánh, 6 cánh, 8 cánh… dạng mở ra khép vào:

  • Sử dụng cảm biến gắn cửa có dây hoặc không dây, có thể dùng cảm biến cửa chất liệu sắt hoặc nhựa đều được.
  • Cách lắp cảm biến cửa chống trộm cho các loại cửa cũng tương tự như lắp cho cửa 1 cánh. Tuy nhiên điểm cần lưu ý đó là lắp nam châm vào cánh di động (cánh đóng/mở đầu tiên). Phương pháp này áp dụng cho mọi loại cửa nhiều cánh đóng mở với nhiều chất liệu khác nhau như: cửa sắt, cửa kính, cửa nhôm, cửa gỗ, cửa nhựa, cửa tôn…

Cửa 2 cánh:

  • Cửa sắt (đóng mở cánh):
Cách lắp cảm biến cửa chống trộm cho cửa 2 cánh, 3 cánh, 4 cánh, 6 cánh, 8 cánh dạng cửa mở
Cách lắp cảm biến cửa chống trộm cho cửa 2 cánh, 3 cánh, 4 cánh, 6 cánh, 8 cánh dạng cửa mở
  • Cửa gỗ, cửa sổ (đóng mở cánh):
Lắp chống trộm gắn cửa cho cửa sổ, cửa gỗ 2 cánh
Lắp chống trộm gắn cửa cho cửa sổ, cửa gỗ 2 cánh
  • Cửa nhôm kính (đóng mở cánh):
Lắp thiết bị chống trộm gắn cửa cho cửa nhôm kính (đóng mở 2 cánh)
Lắp thiết bị chống trộm gắn cửa cho cửa nhôm kính (đóng mở 2 cánh)

Cửa nhiều cánh (3, 4, 6, 8 cánh):

* Tại cánh di động (cánh mở ra hoặc khép vào đầu tiên): Lắp đặt cảm biến cửa từ trên cánh này, với

  • (1) Cảm biến: lắp trên đố cửa ngang hoặc lắp cảm biến trên cánh cố định.
  • (2) Nam châm: lắp trên cánh cửa di động.

* Tại cánh cố định (có then cài bên trong): nếu cần có thể lắp cảm biến trên cánh cố định này (trường hợp đã lắp cảm biến trên đố ngang thì bỏ qua).

Lắp cảm biến cửa từ chống trộm cho cửa gỗ 4 cánh
Lắp cảm biến cửa từ chống trộm cho cửa gỗ 4 cánh

3. Cửa trượt, cửa lùa, cửa kéo ngang (cửa sắt, gỗ, kính hoặc cửa sổ dạng lùa, trượt ngang)

Đối với cửa lùa, cửa trượt ngang thì việc lắp đặt khá đơn giản, không cần phân biệt cánh nào lắp thiết bị nào. Điều quan trọng là cần đảm bảo khe hở giữa cảm biến và nam châm dưới 5mm.

Cách lắp cảm biến gắn cửa cho cửa lùa, cửa trượt ngang
Cách lắp cảm biến gắn cửa cho cửa lùa, cửa trượt ngang

4. Cảm biến chống trộm gắn cho cửa cuốn

Cách lắp thiết bị chống trộm gắn cửa cho cửa cuốn cũng giống nguyên tắc lắp cho cửa sắt, luôn luôn đặt cảm biến tại phần cố định và nam châm tại phần di động. Và 1 điều quan trọng nữa là phải lắp bên trong nhà để tránh bị kẻ gian cạy phá thiết bị.

  • (1) Cảm biến: lắp vào nền nhà hoặc cột 2 bên cửa cuốn.
  • (2) Nam châm: lắp trực tiếp vào cửa cuốn (cuộn lên, cuộn xuống).

Lắp dưới nền nhà:

Cách lắp đặt thiết bị chống trộm gắn cửa cho cửa cuốn
Cách lắp đặt thiết bị chống trộm gắn cửa cho cửa cuốn

Lắp vào cột nhà:

Lắp đặt cảm biến chống trộm cho cửa cuốn
Lắp đặt cảm biến chống trộm cho cửa cuốn

Trên đây là nội dung bài viết giới thiệu thiết bị chống trộm gắn cửa là gì, cấu tạo và cách hoạt động của cảm biến cửa từ và hướng dẫn chi tiết cách lắp đặt thiết bị chống trộm gắn cửa cho từng loại cửa sắt, cửa nhôm, cửa kính, cửa kéo, cửa lùa, cửa trượt chi tiết.

Quý khách hàng quan tâm cần tư vấn thi công thiết bị báo trộm gắn cửa vui lòng liên hệ HOTLINE hoặc ZALO để được chúng tôi tư vấn, hỗ trợ. Xin cảm ơn!

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *