Tìm hiểu tiêu cự và góc nhìn camera là gì, phân tích, so sánh sự liên quan giữa tiêu cự và góc nhìn trên camera CCTV.
1. Tiêu cự là gì (Focal length)?
Ở phần này chúng ta chưa đề cập ngay đến camera. Để các bạn có thể hiểu rõ tiêu cự là gì chúng ta cần làm rõ khái niệm tiêu cự trong quang học là gì.
1.1. Tiêu cự Focal Length là gì?
Tiêu cự (Focal length) là khoảng cách tính từ tâm thấu kính đến điểm hội tụ.
Tiêu cự còn được gọi là khoảng cách tiêu cự hoặc độ dài tiêu cự. Tiêu cự có đơn vị tính bằng milimet.
Hiểu cách khác, tiêu cự là mức độ phóng đại mà ống kính camera có thể đạt được. Tiêu cự cũng là khoảng cách giữa tâm thấu kính đến cảm biến hình ảnh (nơi hội tụ ánh sáng). Khoảng cách tiêu cự được biểu đạt bằng một con số, chúng cho biết máy ảnh có thể chụp trong phạm vi cảnh như thế nào.
1.2. Điểm hội tụ là gì?
Điểm hội tụ (Imaging point) là điểm là chùm ảnh hội tụ tại vị trí đó. Nói cách khác, điểm hội tụ chính là nơi mà hình ảnh có độ nét cao nhất.
Điểm hội tụ là điểm phụ thuộc vào ống kính (thấu kính), không thể tự nhiên thay đổi được.
1.3. Độ phóng đại và góc nhìn
Độ phóng đại (manification) và góc nhìn (view angle) sẽ bị thay đổi khi chúng ta thay đổi khoảng cách tiêu cự.
Đây là điều tương đối khó hiểu, vì vậy ở phần dưới chúng tôi sẽ giải thích rõ hơn về điều này.
2. Tiêu cự của ống kính camera (Lens Focal Length) là gì?
Tiêu cự (Lens Focal Length) là một khái niệm không thể tách rời với ống kính của camera, vì vậy nó còn được gọi là tiêu cự ống kính camera (Lens Focal Length). Tùy thuộc vào loại vật liệu, độ lồi / lõm, cách chế tạo và lắp ghép mà mỗi ống kính sẽ có tiêu cự hoàn toàn khác nhau.
Dựa vào khái niệm cơ bản về tiêu cự là gì (ở phần trên), phần này tiếp theo chúng ta sẽ cùng tìm hiểu tiêu cự camera là gì, có bao nhiêu loại ống kính và ứng dụng tiêu cự như thế nào…
2.1. Độ dài tiêu cự ống kính camera
Tiêu cự camera (tiêu cự ống kính – Lens Focal Length) là khoảng cách giữa ống kính và vị trí của cảm biến hình ảnh của camera. Tiêu cự thường có đơn vị tính là milimet (mm).
Tiêu cự không phải là phép đo chiều dài thực tế của ống kính camera, mà đây là khoảng cách quang học tính từ tâm của ống kính đến điểm mà các tia sáng hội tụ để tạo thành hình ảnh sắc nét nhất của vật thể. Đây cũng là mặt phẳng đặt cảm biến CMOS trong camera quan sát.
Đặc điểm của tiêu cự camera là gì:
- Độ dài tiêu cự càng lớn, góc nhìn càng hẹp và độ phóng đại càng cao.
- Độ dài tiêu cự càng ngắn, góc nhìn càng rộng và độ phóng đại càng thấp.
Tiêu cự camera còn có các cách gọi khác như sau:
- Tiêu cự (focal) nói chung chung.
- Tiêu cự của ống kính camera (lens focal length).
- Độ dài tiêu cự, chiều dài tiêu cự, khoảng cách tiêu cự (focal length).
Nếu đối chiếu với định nghĩa tiêu cự là gì ở phần lý thuyết bên trên thì chúng ta sẽ thấy:
- Độ dài tiêu cự (của ống kính camera) = khoảng cách tiêu cự
- Vị trí đặt chipset cảm biến (của ống kính camera) = vị trí của điểm hội tụ
- Ống kính camera (camera ‘s lens) là tập hợp các thấu kính được lắp bên trong camera. Tùy vào chủng loại, chức năng mỗi camera mà nhà sản xuất sẽ lắp 1 hoặc nhiều thấu kính hội tụ ở bên trong.
Tất nhiên để hình ảnh rõ nét nhất thì nhà sản xuất sẽ đặt cảm biến hình ảnh (cảm biến CMOS chipset) luôn được đặt đúng vị trí điểm hội tụ hình ảnh.
Như vậy ở phần trên chúng ta đã làm rõ 2 khái niệm quan trọng về tiêu cự là gì, tiêu cự camera là gì. Ở phần tiếp theo chúng tôi sẽ giới thiệu thêm một số khái niệm có liên quan như sau.
2.2. Object Distance & Image Distance
Image Distance là gì?
- Image distance (khoảng cách điểm ảnh) là khoảng cách tính từ tâm ống kính đến vị trí của chipset cảm biến bên trong camera (vị trí hình ảnh hội tụ & có độ nét cao nhất).
- Image distance cũng có chiều dài bằng độ dài tiêu cự của camera.
Object Distance là gì?
- Object Distance là khoảng cách từ vật thể (chủ thể) cần quan sát đến tâm ống kính của camera quan sát.
- Nếu Object distance lớn (chủ thể đứng xa) thì để quan sát rõ cần phải có ống kính tiêu cự lớn.
- Nếu Object distance nhỏ (chủ thể đứng quá gần) thì để quan sát rõ cần phải có ống kính tiêu cự nhỏ.
2.3. Tiêu cự cố định và tiêu cự thay đổi
Vì tiêu cự là một thuộc tính của ống kính nên để thay đổi tiêu cự thì phải thay đổi hệ thống ống kính.
Thật may mắn ngày nay trên thị trường các nhà sản xuất camera đã chế tạo được các dòng camera có khả năng thay đổi tiêu cự để giúp việc quan sát an ninh ngày càng dễ dàng hơn. Dù cho ống kính tiêu cự điều chỉnh (Varifocal Lens) thường khá đắt tiền và chỉ có trên các dòng camera cao cấp.
Dưới đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cả 02 loại ống kính này:
- Ống kính tiêu cự cố định (Fix-focal Lens)
- Ống kính tiêu cự điều chỉnh (Varifocal Lens).
2.3.1 Ống kính tiêu cự cố định (Fix-focal Lens):
Ống kính với tiêu cự cố định là gì? Thực chất đa số các dòng camera trên thị trường đều được thiết kế với loại ống kính có tiêu cự cố định, và không thể thay đổi. Thông số này thường được nhà sản xuất công bố trong các tài liệu kỹ thuật của camera.
Ống kính tiêu cự cố định thường có cấu tạo gồm 1 hoặc nhiều ống kính bên trong, nhưng khoảng cách giữa các ống kính luôn cố định (không thể thay đổi được).
Ví dụ: phổ biến nhất là các dòng camera có tiêu cự 2.8mm hoặc 3.6mm, với góc nhìn dao động khoảng từ 84o – 88o.
Ghi chú:
Tiêu cự thay đổi sẽ ảnh hưởng đến góc quan sát (góc nhìn) của camera. Ở bên dưới chúng tôi sẽ giải thích rõ hơn cho các bạn.
2.3.2 Ống kính tiêu cự thay đổi (Vari-focal Lens):
Đây là loại ống kính có khả năng zoom được xa/gần.
Đối với camera được trang bị ống kính zoom (tiêu cự thay đổi được) thì nhà sản xuất sẽ cung cấp cả 02 thông số tiêu cự minimum và tiêu cự maximum.
Ví dụ: Camera IP KBVision KX-8005iMN có ống kính tiêu cự điều chỉnh 2.7mm ~12mm (tương ứng với góc nhìn 120o ~ 88o).
- Tiêu cự lớn nhất (max focal) là 12mm => Góc nhìn 88 độ.
- Tiêu cự nhỏ nhất (min focal) là 2.7mm => Góc nhìn 120 độ.
Tiêu cự nhỏ thì góc nhìn rộng, tiêu cự lớn góc nhìn hẹp (nhưng quan sát được xa).
3. Góc nhìn camera (The angle of view)
Tiêu cự là một thông số có liên quan chặt chẽ đến góc nhìn của camera. Nói cách khác, khi thay đổi tiêu cự thì góc nhìn sẽ bị thay đổi hoàn toàn. Vậy góc nhìn là gì và vì sao lại như vậy?
3.1. Góc nhìn là gì?
Góc nhìn (hay còn gọi là góc quan sát) của camera là độ rộng hoặc phạm vi của quang cảnh mà cảm biến camera có thể nhìn thấy được, được gọi là 1 góc nhìn. Góc nhìn rộng thì camera sẽ nhận được nhiều khung cảnh hơn, ngược lại góc nhìn hẹp sẽ thu được ít khung cảnh hơn.
3.2. Mối liên hệ giữa tiêu cự và góc nhìn của camera
Góc nhìn sẽ bị thay đổi khi ta thay đổi tiêu cự. Cụ thể khi thay đổi ống kính, thay đổi vị trí giữa các ống kính (đối với camera có nhiều ống kính) thì chắc chắn tiêu cự camera sẽ bị thay đổi.
Sự liên quan giữa tiêu cự và góc nhìn:
- Tiêu cự càng nhỏ => Góc nhìn càng rộng
- Tiêu cự càng lớn => Góc nhìn càng HẸP
3.3. Giải thích vì sao tiêu cự nhỏ thì góc nhìn lớn và ngược lại?
3.3.1 Tiêu cự nhỏ thì góc nhìn lớn (nhưng chỉ nhìn gần):
Ở hình minh hoạ bên dưới, giả sử kích thước cảm biến là không đổi, khi bạn thu hẹp khoảng cách tiêu cự (tức dời cảm biến lại gần về phía ống kính) thì góc nhìn sẽ tăng dần lên.
=> Như vậy có thể hiểu: Tiêu cự NHỎ thì góc nhìn LỚN
Ưu điểm:
- Góc quan sát của camera rộng, có thể quan sát nhiều vật thể và bao quát được không gian gần.
Nhược điểm:
- Do góc quan sát rộng (tương tự ống kính wide trên máy ảnh) nên camera chỉ quan sát rõ nét các vật thể ở khoảng cách gần.
- Với các vật thể ở xa thì hình ảnh sẽ rất mờ, thậm chí không nhìn thấy được.
3.3.2 Tiêu cự lớn thì góc nhìn hẹp (nhưng nhìn được xa):
Ngược lại với phân tích trên, bây giờ khi bạn dời cảm biến về phía xa ống kính (tức tăng độ dài tiêu cự) thì lập tức góc nhìn camera sẽ bị thu hẹp lại.
=> Như vậy có thể hiểu: Tiêu cự TĂNG thì góc nhìn càng HẸP
Ưu điểm:
- Ống kính tiêu cự lớn có thể quan sát các vật thể ở khoảng cách rất xa, lấy nét tốt ở khoảng cách xa.
- Vì vậy khi zoom lên hình ảnh sẽ không bị mất nét.
Nhược điểm:
- Ống kính tiêu cự quá lớn sẽ không quan sát bao quát được không gian gần, trái lại camera chỉ quan sát được góc nhìn rất HẸP.
- Tiêu cự lớn tương tự như bạn đang sử dụng ống kính tele cho máy ảnh vậy.
3.3.3 Hình ảnh so sánh ống kính tiêu cự nhỏ và tiêu cự lớn
4. Bảng tra cứu các tiêu chuẩn về tiêu cự & góc nhìn thông dụng
Tuỳ vào mỗi loại camera, mỗi hàng camera và mục đích sử dụng mà nhà sản xuất sẽ chế tạo ra các dòng camera có tiêu cự và góc nhìn khác nhau. Tuy nhiên thông dụng nhất vẫn là các dòng camera có tiêu cự từ 2.8mm – 3.6mm và góc nhìn dao động từ 84o – 89o.
Bảng tra tiêu cự & góc nhìn các dòng ống kính thông dụng:
Tiêu cự (ống kính) | Góc nhìn camera | Ghi chú |
12mm | 26o | Camera tiêu cự lớn, góc nhìn hẹp |
7mm – 22mm | 40o – 17o | Tiêu cự động |
8mm | 40.5o | Camera tiêu cự lớn, góc nhìn hẹp |
6mm | 52.9o | Camera tiêu cự lớn, góc nhìn hẹp |
3.6mm | 73o | Tiêu cự thông dụng |
3.6mm | 84o | Tiêu cự thông dụng |
3.6mm | 85o | Thông dụng |
3.6mm | 87o | Thông dụng |
3.6mm | 88o | Thông dụng |
3.6mm | 89.9o | Thông dụng |
2.7mm – 13.5mm | 91o – 25o | Tiêu cự động |
2.7mm – 13.5mm | 98o – 26o | Tiêu cự động |
2.7mm | 102o | Góc nhìn rộng, tiêu cự ngắn |
2.7mm – 13.5mm | 102o – 29o | Tiêu cự động |
2.7mm – 13.5mm | 106o – 30o | Tiêu cự động |
2.8mm | 107.2o | Góc nhìn rộng, tiêu cự ngắn |
2.8mm – 6mm | 110.5o – 52.9o | Tiêu cự động |
2.8mm | 112o | Góc nhìn rộng, tiêu cự ngắn |
3.7mm – 11mm | 112o – 46o | Tiêu cự động |
Lời kết
Qua nội dung trên đây chúng tôi hy vọng đã giúp các bạn hiểu cặn kẽ các khái niệm như: tiêu cự là gì, góc quan sát là gì, cũng như làm rõ sự liên quan giữa tiêu cự và góc nhìn trên camera quan sát. Mọi thắc mắc các bạn có thể để lại bình luận ngay bên dưới để chúng tôi sẽ giải đáp cho các bạn.
Thân mến!
Bài liên quan:
- Tìm hiểu các thông số cơ bản của camera?
- Cách lắp camera wifi
- Cách lắp camera có dây
- Sự khác nhau giữa công nghệ hình ảnh camera AHD, HD-CVI và HD-TVI là gì?
- Nên chọn cáp đồng trục loại nào tốt cho camera quan sát?
- Tìm hiểu sự khác nhau giữa các công nghệ chống nhiễu 2D-DNR và 3D-DNR
- Tìm hiểu sự khác nhau giữa ống kính tiêu cự tự động (motorized lens) và ống kính tiêu cự chỉnh tay (manual varifocal lens)
- Phân biệt các loại camera quan sát thông dụng trên thị trường
nhờ giải thích dùm camera kbone KN-H21PW có thông số ống kính ( Lens Field of View : 93″(H), 48″(V), 1 15°(D) 355°Pan & -S~80″lilt). vậy h, v , d nghĩa là gì
Cho hỏi thêm con KN-2002WN có Tầm xa hồng ngoại 20m với Ống kính cố định 2.8mm và con KN-H21PW có Tầm xa hồng ngoại 10m với Ống kính cố đinh 3.6mm. thì con nào tốt hơn về mặt khoảng cách xa. vì mình thấy ở trên nêu có sự mâu thuẫn về tầm xa hồng ngoại do nhà sản xuất đưa ra “Tiêu cự càng nhỏ => Góc nhìn càng rộng
Tiêu cự càng lớn => Góc nhìn càng HẸP”. nếu vậy thì con KN-H21PW với Ống kính cố định 2.8mm thì Tầm xa hồng ngoại phải lớn hơn mới phải chứ
Còn câu hỏi về khoảng cách – khoảng cách càng xa thì chọn ống kính càng lớn. Câu hỏi “con nào tốt hơn về mặt khoảng cách xa” => Trả lời: con 3.6mm
Tầm xa hồng ngoại không liên quan đến ống kính mà do thiết kế độ sáng của đèn LED hồng ngoại (công suất Led phát càng mạnh, số lượng bóng Led càng nhiều => phát hồng ngoại càng xa)
Thân mến!
Chào bạn, mình giải thích các thông số kỹ thuật camera KBone KN-H21PW như bạn mô tả như sau: 93°H có nghĩa là 93° theo chiều Horizontal (góc quét theo phương ngang); 48°V là góc quét theo phương đứng (48° Vertical); Hai thông số trên là góc của ống kính – có nghĩa là khi đặt camera ở 1 góc cố định thì ngang 93 độ, đứng 48 độ.
Còn 355° Pan có có thể hiểu đơn giản là camera có mô-tơ xoay, góc xoay NGANG của mô-tơ đó là 355° (355° PAN); còn 80°Tilt là góc xoay đứng của mô tơ (tức là camera có khả năng ngóc lên ngóc xuống 1 góc 80°)
Còn D là Dimension (khoảng cách camera nhìn thấy được)